BAO GIỜ NGƯỜI VIỆT MỚI NGHIÊM TÚC VỀ TÌNH DỤC

03/07/2022 - 13:07

Mấy hôm nay, cả nước sục sôi vì vụ bê bối tình dục ở nước ngoài nghi là có liên quan đến hai nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Những làn sóng chửi rủa, thoá mạ cho cả nghi phạm và nạn nhân cùng lúc chồm lên nhau khốc liệt. Một luồng ý kiến cũng không kém phổ biến thì theo kiểu đen thôi mà, đàn ông ai chả thế. Một số tips (lời khuyên) để tránh sa bẫy, để tránh rủi ro cũng được chia sẻ rộng rãi. Nhưng mấy ai nghĩ đến nguyên nhân tận cùng là thái độ thiếu nghiêm túc đối với tình dục. Sau những vụ bê bối đó liệu người Việt có muốn thảo luận nghiêm túc hơn về chủ đề này? 

 

Năm  1989, sau khoá học về những yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh do giáo sư Terence Hull ở Đại học Quốc gia Úc (ANU) giảng mình tập toẹ viết một bài tạp chí về chủ đề này với nội dung là cần phải nhìn nhận lại vai trò của hành vi tình dục trong sinh sản (1)  Hàm ý cuả mình là người Việt Nam thường chỉ muốn “thiêng hoá” mục đích sinh sản của tình dục mà “lờ” đi mục đích tìm kiếm khoái lạc, trong khi ngay cả khi không định sinh đẻ nhưng vẫn “quan hệ” bừa phứa. Nói cách khác, mình muốn mỉa mai cái sự người Việt cứ thích tỏ ra mô phạm trong khi cũng ‘tầm ngầm” như ai. Chả thế khi đi nghiên cứu về sinh đẻ và kế hoạch hoá gia đình, phỏng vấn các bố các mẹ đã 4-5 đứa con nheo nhóc nhưng hỏi về các biện pháp tránh thai thì bảo “thẹn” lắm, không nói. Do vậy thông điệp của mình là nên tách bạch mục đích sinh sản và mục đích khoái lạc của tình dục để nghiêm túc nghĩ đến việc sử dụng các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn chứ đừng tiếp tục nhập nhằng khiến bao đứa trẻ ra đời ngoài dự tính và lớn lên theo kiểu trời sinh voi sinh cỏ, chưa kể việc phải bỏ đi hàng triệu bào thai ngoài mong muốn.

 

Đến năm 1996 khi làm một nghiên cứu tài liệu về nghiên cứu tình dục ở Việt Nam (2),  hơn một năm trời quần thảo với không biết bao nhiêu là sách, báo, mình càng thấy cái sự “nhập nhằng” trong tư duy hoặc chí ít là trong cách thể hiện của người Việt về tình dục. Vô số bằng chứng từ các lễ hội dân gian, ừ thì cứ cho là tín ngưỡng phồn thực, đã  “bóc mẽ” cái sự ham khoái lạc và sự tích cực tìm kiếm khoái lạc của người Việt trong cuộc sống hàng ngày. Ấy thế mà khi nào viết lách hoặc lên tiếng một cách chính thức thì người ta hoặc là thật mô phạm, thật thanh cao, thật thoát tục, hoặc tránh né, quyết liệt phủ nhận, hoặc thoá mạ, lên án, huỷ diệt, mọi hành vi tìm kiếm khoái lạc tình dục. Đương nhiên là mình hiểu tình dục phức tạp, y như kiểu “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng”. Cùng với một người thì lúc này đúng, nhưng lúc khác lại là sai. Cũng là hành vi tình dục đó nhưng với người này là đúng, với người kia là sai … Mình không chê bai sự ham khoái lạc, mình cũng không bảo tất cả mọi thái độ tiêu cực về tình dục là dở hơi. Điều mình chán là người Việt không muốn thảo luận cho đến nơi đến chốn về cái sự đúng, sai đó.

 

Đến năm 2003 bắt đầu làm nghiên cứu to to về kiến tạo xã hội của tình dục ở Việt Nam (3) thì mình lại càng khẳng định người Việt chỉ thích đùa về tình dục nhưng không thích nói về nó một cách nghiêm túc. Khắp nơi người ta nói chuyện tiếu lâm về tình dục. Phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý, đàn ông, đàn bà, ngồi với nhau chưa nóng chỗ là lại quay sang kể chuyện tục tĩu chớt nhả về tình dục. Ấy thế mà trước mặt con cái, học trò, nhân viên hễ mà đụng đến chủ đề tình dục thì ai nấy lập tức trở nên khả kính, mô phạm… Giáo dục giới tính và tình dục không thể nào có chỗ đứng trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Người Việt vẫn tiếp tục giảng cho nhau rằng tình dục trước hôn nhân là cấm kỵ, phá thai là tội ác. Quan hệ tình dục “ngoài luồng” là  không thể dung tha. Thậm chí cả những cố gắng của vợ/chồng để làm phong phú thêm đời sống tình dục lứa đôi nhiều khi cũng có thể bị cho là “dâm đãng”. Nêu lên những điều này mình không chủ trương khuyến khích tình dục trước hay ngoài hôn nhân hoặc phá thai bừa bãi, lại càng không cổ vũ cái thứ tình dục “tự do” bất chấp đạo đức, pháp luật. Thông điệp mình muốn đưa ra là tình dục là một thứ quan trọng đối với mỗi người và với xã hội. Sự tử tế, đàng hoàng, nhân văn và văn minh của mỗi cá nhân hay mỗi xã hội cũng phản ánh qua quan niệm và hành vi tình dục của  công dân và của xã hội đó. Và muốn có tử tế và văn minh thì cần phải học một cách nghiêm túc.

 

Mới gần đây, cái sự thiếu nghiêm túc của một bộ phận người Việt về tình dục lại một lần nữa thể hiện rõ trong phản ứng của họ trước Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của Bộ Lao động cũng như trước phát biểu của một số đại biểu quốc hội về bạo lực gia đình. Phản ứng đó cho thấy sự dễ dãi, cẩu thả, chuẩn mực kép… về tình dục của những người này. Không muốn nghĩ cho đến nơi đến chốn, cố tình lảng tránh thực tế xã hội, và cả khăng khăng bảo vệ đặc quyền của nam giới được cợt nhả và xúc phạm phụ nữ (đau buồn thay, không ít chị em cũng hăng hái hùa theo)   … nên họ giãy nảy trước những quy định thế nào là QRTD. Nhưng khi mà nguy cơ bị quấy rối hiện hữu đối với bản thân hoặc người thân thì có thể lại chính là những người này sục sôi mạnh mẽ, phong sát thủ phạm đến tận cùng. Ví dụ không ai xa lạ là người đàn ông trong vụ “cưỡng hôn” cô gái trong thang máy cách đây vài năm.

 

Việc từ chối suy nghĩ và thảo luận nghiêm túc về tình dục dẫn đến không ít hệ luỵ. Từ  cuối những năm 1990 - Việt Nam luôn được gọi tên trong top những quốc gia có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới. Nhà nghỉ mọc lên như nấm sau mưa để phục vụ tình một giờ. Tội phạm tình dục ngày càng gia tăng…Tuy nhiên, những sự thật đó chẳng khiến vấn đề được coi trọng hơn, Dường như những cái chết tức tưởi, những tiếng khóc đau đớn của bao nhiêu nạn nhân bạo lực tình dục hay tiếng thét xé lòng của Dạ Thảo Phương mới đây chẳng làm người Việt mình thay đổi bao nhiêu. Số vụ việc được xử lý thấu tình đạt lý chẳng đáng bao nhiêu. Nhưng khi va chạm với một nền văn hoá và pháp luật khác, cái sự thiếu nghiêm túc đó, dù chỉ là một lần, sẽ có thể đưa bạn vào vòng lao lý và khiến bạn thân bại danh liệt(4).

Thái độ nghiêm túc đối với TD theo mình là nhìn nhận đúng vai trò của TD đối với cá nhân và xã hội, dạy và học về TD một cách khoa học, đến nơi đến chốn, xây dựng khung luật pháp chặt chẽ để điều chỉnh hành vi của công dân, cả xã hội thảo luận về tình dục một cách có trách nhiệm theo hướng nhân văn, nhân quyền, tiến bộ.

 

--------------

 1) Khuất Thu Hồng, 1989. “Thử đặt lại vấn đề về hành vi tình dục”. Tạp chí Xã hội học, số 2 -1989.

 2) Khuất Thu Hồng, 1998. “Nghiên cứu tình dục ở Việt Nam - Những điều đã biết và chưa biết”. Tài liệu làm việc của khu vực số 11, Hội đồng Dân số Mỹ.

 3) Khuất Thu Hồng, Lê Bạch Dương và Nguyễn Ngọc Hường, 2009. “Tình dục trong xã hội Việt Nam đương đại - Chuyện dễ đùa, khó nói”. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động (tái bản lần thứ 2).

4) Năm 2010, ĐSQ Việt Nam tại Costa-rica và Panama và mình đã phải can thiệp với Toà án ở Costa-rica để giải cứu 2 thanh niên VN là thuyền viên trên 1 con tàu đánh cá của TW bị buộc tội lạm dụng tình dục một thiếu niên ở nước này. Mình tin là có thể có nhiều vụ khác mà chúng ta không biết.

 

Khuất Thu Hồng

FOLLOW US

QUẢNG CÁO

banner-phai1

 

banner-phai2

 

banner-phai3

 

banner-phai4

 

banner-phai5

 

banner-phai0

Screen Shot 2022-10-02 at 18.16.40

Công ty TNHH Trang Sao

Thegioinghesi.vn

Giấy phép MXH số 280/BTTTT cấp ngày 14/05/2021 

Address: 223 Hoàng Văn Thụ, P.10, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM

Liên hệ hợp tác, bảo trợ truyền thông:

Phone: 0345 700 300

Email: [email protected]

 

 

 

 

 

 

Mạng xã hội