20 năm trong nghề giảng dạy và tổ chức các sự kiện văn hoá, người ta biết đến chàng Thạc sĩ điển trai qua nhiều vai trò khác nhau, từ Giảng viên, HLV múa, catwalk, giải phóng hình thể, Đạo diễn sân khấu thời trang, Đạo diễn sự kiện; và trên hết, anh còn là một Nghệ sĩ đa tài, đa năng, luôn mang trong mình tình yêu lớn với văn hoá Việt.
Là một trong những người khởi xướng, viết nên Đề án về Di sản áo dài tại Thành phố Hải Phòng, Mr. Đặng Tiến Thuận là người đồng hành, đứng sau hàng loạt các sự kiện văn hoá đình đám gần đây tại Hải Phòng và Hà Nội.
Với tâm huyết ấy, Mr. Đặng Tiến Thuận đã và đang góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy vẻ đẹp của văn hoá Việt, thông qua việc nâng tầm ảnh hưởng, quảng bá và giới thiệu hình ảnh đẹp của chiếc áo dài truyền thống dân tộc.
Áo dài là văn hoá, là hình ảnh quê hương, là nhân tố góp phần định vị vẻ đẹp riêng của phụ nữ Việt Nam nói riêng, của người Việt nói chung.
Áo dài là Di sản văn hoá trường tồn theo năm tháng, ý thức được vai trò và sứ mệnh của mình, Mr. Đặng Tiến Thuận - hiện là Uỷ viên Ban chấp hành Câu lạc bộ (CLB) Di sản Áo dài Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực CLB Di sản áo dài Việt Nam thành phố Hải Phòng – luôn tâm niệm phải cố gắng hơn nữa để thể hiện được sự cấp thiết của việc giữ gìn, đưa hình ảnh chiếc áo dài len lỏi vào đời sống của người dân qua các hoạt động văn hoá tại đại phương.
Chiếc áo dài gắn liền với chiều dài lịch sử dân tộc, là tình yêu và niềm tự hào của người Việt, với những giá trị đặc biệt của áo dài, việc khẳng định quyền sở hữu trí tuệ sáng tạo của tà áo dài Việt Nam, xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, đồng thời kiến tạo một nền công nghiệp áo dài riêng, mang thương hiệu Việt Nam. Đó là ước muốn của không riêng một người dân nào trên Đất nước này.
Trên con đường tôn tạo và phát huy hình ảnh đẹp đẽ đó, CLB Di sản áo dài Việt Nam đang hoạt động tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, trong năm 2024 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổ chức, truyền thông hình ảnh cho các sự kiện về áo dài như: Lễ Hội áo dài thành phố Hải Phòng 2024, Diễu hành chào mừng lễ hội Hoa phượng đỏ HảiPhòng, Trưng bày và tham gia trình diễn tại Không gian văn hoá đình làng Hải Phòng xưa (do Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hải Phòng tổ chức), Chương trình tặng áo dài trắng đồng phục cho nữ sinh các trường THPT, đặc biệt là tổ chức thành công cuộc thi Miss Di sản áo dài phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2024.
Dự kiến sắp tới, CLB sẽ kết nạp thêm nhiều hội viên, liên kết với các NTK, các cơ sở may mặc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, thêu tay tại nhiều địa phương… để mở rộng không gian văn hoá cho việc nâng cao số lượng áo dài có mặt trên thị trường, đồng thời chung tay thực hiện phát triển kinh tế và thực hiện mục tiêu quốc gia cùng Chính phủ, lan toả sản phẩm đạt chất lượng OCOP (One commune One product) tại nhiều địa phương.
CLB Di sản áo dài Việt Nam hiện đang có các phiên bản cấp tỉnh/thành phố tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đắc Lắc, Đà Nẵng và các CLB quốc tế tại một số nước như Anh, Pháp, Thuỵ Điển…
Mr. Đặng Tiến Thuận cho biết: ‘’Tôi nỗ lực rất nhiều cho những sân chơi áo dài tại Thành phố Hải Phòng, cũng như các CLB Di sản sáo dài Việt Nam, dù biết bản thân chỉ là một đại diện nhỏ nhoi trong số hàng triệu người trên thế giới này ‘’lỡ phải lòng’’ tà áo đặc trưng của người Việt, tôi vẫn mang tình yêu ấy ấp ủ thành những dự án lớn nhỏ, tạo ra các sân chơi và chung tay với nhiều người có cùng đam mê để nâng tầm hình ảnh Di sản Áo dài trong tương lai.’’