Thế giới chia làm 2 nửa, nửa trước 11/9/2001 và sau sự kiện đen tối nhất của lịch sử nước Mỹ. Một sự kiện giết chết nhiều người Mỹ hơn cả trận Trân Châu Cảng ở Chiến Tranh Thế Giới thứ 2. Sau Trân Châu Cảng, người Mỹ đã thả 2 quả bom nguyên tử xuống nước Nhật, còn sau 11/9 thì Afghanistan và cả Iraq bước vào một cuộc chiến mà Mỹ gọi là “cuộc chiến chống khủng bố”. Mà cho đến hôm nay, 20 năm trôi qua, người Mỹ đã thất bại, Taliban vẫn trở lại, gieo rắc kinh hoàng và tiếp tục gieo rắc chủ nghĩa khủng bố.
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày 11/9, rất nhiều hãng lớn đã phát hành bộ phim tài liệu về sự kiện này (chưa kể hàng chục phim tài liệu trước đó), trong đó đáng chú ý có Turning Point: 9/11 and the War on Terror (Bước ngoặt: 11 tháng 9 và cuộc chiến chống khủng bố) của Netflix; 9/11: One Day in America của National Geographic; 9/11: Inside the President’s War Room (11-9: Bên trong Phòng Chiến tranh của Tổng thống Mỹ) của Apple TV+ và BBC One, Rebuilding Hope: The Children of 9/11 (Xây lại hy vọng: Những đứa trẻ của ngày 11-9) của Discovery+; Women of 9/11 (Những người phụ nữ của ngày 11-9) của ABC…
9/11: Inside the President’s War Room là một góc nhìn khác, rất khác so với những bộ phim tài liệu trước đây làm về sự kiện này, đó là đi sâu vào quan sát bộ sậu quyền lực nhất nước Mỹ khi sự kiện xảy ra. Bộ phim có sự góp mặt của những người quan trọng nhất nước Mỹ thời điểm đó như là Tổng thống George W. Bush, Phó tổng thống Dick Cheney, Cố vấn Quốc phòng Condoleezza Rice, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Colin Powell, giám đốc CIA, trưởng an ninh mật vụ bảo vệ tổng thống …
Phim bắt đầu bằng mốc thời gian sáng ngày 11/9 và sau đó là liên tục những sự kiện xảy ra, theo từng mốc thời gian khác nhau. Phim đi vào chi tiết “một ngày của tổng thống” trong “một ngày đặc biệt”. Khi mà chiếc máy bay thứ 2 đâm vào Trung tâm thương mại thế giới, Tổng thống Bush vẫn còn đang dự giờ một lớp học cấp 1. Rồi sau đó là những phản ứng của chính quyền, quyết định di tản tổng thống đi đâu, cách thức nhận tin tức, đối phó với sự kiện “chưa từng có tiền lệ” này thế nào. Sự yếu kém của cơ quan an ninh Mỹ cũng được phơi bày, các cơ quan đối phó với tình huống khẩn cấp, đối phó với máy bay không tặc đều bị động. Điều đó khiến cho tổng thống Mỹ ngày hôm ấy phải bay 1 vòng đất nước trên chiếc Không Lực 1 (mà ban đầu không có F12 hộ tống) để “trở về nhà” (Wasington DC).
9/11: Inside the President’s War Room chỉ là một lát cắt nhỏ, chỉ là một câu chuyện ngắn, nhưng đi đến tầng cao nhất của cơ quan quyền lực nhất. Như trong phim có nói: “Chúng tôi ngồi đây, nhìn cuộc tấn công qua TV, và không thể làm gì cả, ở ngay tại cơ quan quyền lực nhất của đất nước hùng mạnh nhất”. Khi chiếc máy bay thứ 4 tiến về trại David, người được trao quyền cao nhất khi đó là phó tổng thống (lúc này tổng thống Bush vẫn trên bầu trời trong chiếc Không lực 1) đã quyết định “shoot down” (bắn hạ) chiếc máy bay thương mại với hàng trăm thường dân trên đó, một quyết định có lẽ là khó khăn, phải đưa ra ngay lập tức. Có thể coi là “may mắn”, khi chiếc máy bay này tự rơi, không bị không quân Mỹ bắn hạ, bởi khi đó, câu hỏi về công lý và nhân đạo sẽ trỗi dậy, sẽ thêm một vết thương không bao giờ lành cho sự kiện này.
Turning Point 9.11 and the War on Terror do Netflix thực hiện, series 5 tập, nên có nhiều thời lượng để đi đến nhiều chi tiết khác nhau về “Cuộc chiến chống khủng bố” mà nước Mỹ đã phát động sau sự kiện “bước ngoặc”. Khởi sự từ trận xâm lược Afghanistan của Liên Xô năm 1979 và chiếm đóng đến 10 năm sau đó mới rút quân, người Mỹ đã bắt đầu “gieo mầm” thù địch ở nơi này. Osama Bin Laden, tác giả của vụ tấn công 11/9 cũng bắt đầu ở đây. Đó cũng là một phần cho câu trả lời với người Mỹ sau sự kiện 11/9, trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta bị ghét?”
Series này được đặt tên theo các tập lần lượt là: “Cảnh báo đỏ trong hệ thống”, “Nơi nguy hiểm”, “Mặt tối”, “Cuộc chiến tốt đẹp”, “Nấm mồ của đế chế”. Lỗi diễn đạt song song khi đan xen những tình huống, diễn biến chi tiết về sư kiện 11/9 là những biện giải, những nút thắt, những thông tin về cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ, cùng với đó là nói lên “Mặt tối” sau sự kiện này ví dụ như “kế hoạch giám sát toàn dân” dưới danh nghĩa chống khủng bố.
Phim mang đến 1 cái nhìn tổng quan, về khởi nguồn và “kết thúc” của cuộc chiến khủng bố ở thời điểm hiện tại, về được và mất, về thành công và thất bại. Nhất là với nước Mỹ, sau cuộc chiến này, kẻ thù vẫn còn tồn tại, dường như không bao giờ dứt, dù sau 10 năm từ sự kiện, Biệt kích SEAL đã bắt chết Osama Bin Laden, kẻ chủ mưu gây ra cái chết cho gần 3000 người Mỹ vào buổi sáng đỉnh mệnh.
20 năm đã trôi qua, những đứa trẻ mất cha mẹ vào ngày hôm ấy cũng đã lớn và trưởng thành, nhưng câu chuyện vẫn được kể y chang như cũ. Có lẽ, 50 năm hay 100 năm sau người ta vẫn sẽ kể lại sự kiện này, bởi lịch sử luôn xoay vòng, nếu không nhìn rõ quá khứ, tương lai sẽ tiếp tục gánh đau thương.
Bùi An/Techbiz