Lâm Xuân Thi thức thời, lãng mạn và nhân ái

Không chỉ là “ông chủ” sáng lập nên thương hiệu xe đạp Martin 107 nổi tiếng, một nhà thơ tâm huyết sớm được tặng thưởng thơ từ thời chưa “loạn giải thưởng”, Lâm Xuân Thi (ảnh) còn nổi tiếng bởi tấm lòng nhân ái luôn hỗ trợ các bạn thơ qua Quỹ Tình thơ và những người nghèo khó bất hạnh…

 

Một nhân vật không… bí ẩn

 

Đối với không ít người, Lâm Xuân Thi là một nhân vật bí ẩn. Bí ẩn trong tính cách. Bí ẩn trong nghệ thuật kinh doanh lẫn ứng xử đời thường. Thoạt nhìn anh là người kín đáo, hiền lành và có vẻ hơi… nhút nhát, thiếu tự tin.

 

Anh thường không thích xuất hiện trước đám đông. Khi trò chuyện với người khác, anh hay nhún nhường, nhỏ nhẹ, lễ phép, kiệm lời. Trước phụ nữ thì lúng túng, thậm chí… bối rối. Lúc mới quen anh, tôi cũng nghĩ “thằng cha này hình như hơi bị nhút nhát”. Nghĩ vậy mà không phải vậy!

 

Đúng là Lâm Xuân Thi kín đáo, nhún nhường, cẩn trọng nhưng không hề nhút nhát… Anh cũng không kiệm lời nếu gặp tri âm. Ngược lại, anh là người thông minh, bản lĩnh, quyết đoán và nhạy bén, có “bộ nhớ” như một… máy vi tính! Thương hiệu xe đạp Martin 107 của anh hiện có mặt trên thị trường gần khắp cả nước đủ chứng minh điều ấy.

 

lam-xuan-thi-2

 

Từ số vốn ban đầu đúng một lượng vàng, mở tiệm tự tay lắp ráp từng chiếc xe đạp để mưu sinh và để có tiền… “chở bạn gái đi chơi”, đến nay anh đã điều hành một hệ thống bán buôn với doanh thu hàng trăm tỷ đồng, với hàng trăm nhân viên. Nếu nhút nhát, thiếu tự tin thì làm sao anh có thể kinh doanh thành công?

 

Đã bước vào thương trường thì phải có cái nhìn thức thời, thực tế, thực dụng và thậm chí phải “thủ đoạn”. Lâm Xuân Thi là doanh nhân thức thời, thực tế nhưng không thực dụng hay thủ đoạn. Ngược lại, anh còn là người có tâm hồn lãng mạn và say mê cái đẹp.

 

Anh say cái đẹp của sự im lặng thinh không buổi sáng. Anh mê cái đẹp của tiếng chuông nhà thờ hay tiếng xe qua ngõ vắng. Anh say cái đẹp từ người thân, từ tình bạn chân thành. Anh mê cái đẹp trong ánh mắt ngây thơ, nụ cười thánh thiện, tà áo dài trắng tinh khôi của thiếu nữ…

 

Chung thủy với nàng thơ

 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều là nhà báo chuyên nghiệp của Sài Gòn trước năm 1975, nên anh yêu chữ nghĩa và sớm làm thơ. Khoảng năm 10 tuổi, anh đã có mấy bài thơ được đăng trên báo Bé Thơ, Chính Luận với bút danh Tiểu Thi. Do bận rộn kinh doanh, thời gian eo hẹp, anh làm thơ không nhiều. Khi tứ thơ chợt đến, anh thường lẩm nhẩm trong đầu, gần như không bản nháp, rồi sau đó chép vào sổ tay.

 

Mỗi bài thơ của Lâm Xuân Thi là một khoảnh khắc bất chợt, một xúc cảm thật, một hoàn cảnh thật. Thơ anh ít có trí tưởng tượng bay bổng. Đó vừa là ưu điểm và cũng vừa là nhược điểm. Nhưng với anh ưu hay nhược không quan trọng. Điều cốt lõi thơ là phương tiện giúp anh giải stress hiệu quả nhất. Buồn, anh dựa vào thơ. Vui, anh trò chuyện cùng nàng thơ. Chẳng hạn, giữa thiên nhiên đồng ruộng anh có cảm giác khá lạ trong bài thơ tứ tuyệt Về quê:

 

“Nắng ruộng đồng mà gió biển khơi

Thấy mình lao xao giữa đất trời

Thấy đàn con gái ra sông tắm

Và thấy buồn vì không biết bơi…”

 

Vốn là người kỹ tính nên Lâm Xuân Thi cũng rất khó tính trong tạo dựng cấu tứ, thi ảnh, ngôn ngữ thơ. Không ít lần Lâm Xuân Thi nói với tôi rằng, anh thấy vui khi bán được đắt hàng nhưng càng vui hơn khi làm được một bài thơ ưng ý: “Thơ là nhu cầu tinh thần rất đẹp giúp con người mình thăng hoa”.

 

“Thà để anh làm một kẻ vô danh

Nếu em vẫn thích bày ra những trò đùa nổi tiếng

Khi múa vội một đường gươm nguy hiểm

Anh chỉ sợ mình thành kẻ sát nhân”

 

Đó là những câu thơ thật tâm đắc mà tôi đọc được của Lâm Xuân Thi trước khi anh được trao Tặng thưởng thơ hay năm 1988 của báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh. Anh thuộc thế hệ nhà thơ xuất hiện sau ngày đất nước thống nhất.

 

Lâm Xuân Thi có một tình yêu lặng lẽ mà sâu đậm với Sài Gòn quê hương. Vào năm 1983, gia đình anh được bảo lãnh đi nước ngoài, tuy nhiên: “Khi ra sân bay, tôi lại không muốn đi. Mẹ tôi đưa passport lại để đi sau. Lần thứ hai, sau khi chia tay bạn bè, tôi ra sân bay. Nhưng lại tiếp tục đổi ý không đi. Vừa trở về nhà thì lại thấy tiếc… Lúc đó là vào khoảng 12 giờ trưa, tôi vội vàng chạy ra sân bay. Song lần này tôi chỉ dừng ở cổng, không đủ can đảm bước vào sân bay” - anh thổ lộ.

 

Ở lại quê hương, Lâm Xuân Thi làm thơ và mưu sinh bằng nghề buôn bán xe đạp. Làm ăn được, anh dần dần mở rộng công việc kinh doanh. Người ta hay nói doanh nhân là “chiến sĩ của thời bình”, nhân vật trung tâm của đời sống xã hội hiện nay.

 

Anh cho rằng đây là câu nói có nhiều ý nghĩa: “Ở khía cạnh nào đó, có thể hiểu rằng nhà doanh nghiệp cũng phải cật lực phấn đấu và… “chiến đấu” trên thương trường. “Thương trường là chiến trường” mà! Đối với cá nhân tôi thì tôi không thích “chiến tranh” nên cũng không ưa “chiến trường”.

 

Tôi không nghĩ rằng khi mình kinh doanh thì mình phải chiến đấu với ai. Mỗi khi có dịp, tôi vẫn thường gửi tặng quà đến những người kinh doanh cùng ngành nghề với mình”.

 

Nghề mưu sinh cũng chịu ảnh hưởng tác động của cảm hứng thẩm mỹ sáng tạo thi ca. Đối với Lâm Xuân Thi, giữa thơ và xe đạp cũng có mối liên quan hỗ tương chặt chẽ. Anh tâm sự: “Sự bay bổng trong ý tưởng thi ca đã giúp tôi nhiều trong việc tạo dáng cho xe đạp.

 

Đó cũng là lý do nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Martin 107, tôi nảy ra ý định tạo nên kiểu dáng xe đạp thời trang bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, một ý tưởng hoàn toàn mới, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Ngày nay, xe đạp không đơn thuần là một phương tiện di chuyển như trước, mà còn là một sản phẩm có tính thời trang, cũng giống như những sản phẩm có tính thời trang khác…”.

 

Sự thành công trong kinh doanh đã tạo điều kiện cho Lâm Xuân Thi có cơ hội giúp đỡ bạn thơ và những số phận bất hạnh, nghèo khó… Vào dịp Ngày Thơ Việt Nam Xuân Kỷ Sửu 2009, nhà thơ Lâm Xuân Thi đã cùng nhà thơ Hồ Thi Ca và tôi thành lập Quỹ Tình thơ, về sau mời thêm nhà thơ Chim Trắng làm cố vấn. Kinh phí của Quỹ do nhà thơ Lâm Xuân Thi tự nguyện đóng góp từ tích lũy cá nhân, không kêu gọi tài trợ thêm và cũng không nhận tài trợ.

 

lam-xuan-thi

 

 

Ban đầu Quỹ chỉ giới hạn sự hỗ trợ cho các nhà thơ ở TP. Hồ Chí Minh, sau đó dần mở rộng ra cả nước. Quỹ Tình thơ đã hỗ trợ nhà thơ trong việc mua tác phẩm mới phát hành đến tận tay bạn đọc yêu thơ, giúp đỡ các nhà thơ gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo…

Phan Hoàng/Báo Đà Nẵng

FOLLOW US

QUẢNG CÁO

banner-phai1

 

banner-phai2

 

banner-phai3

 

banner-phai4

 

banner-phai5

 

banner-phai0

Screen Shot 2022-10-02 at 18.16.40

Hoạt động theo ĐKKD số 0315730923 ngày 12/06/2019 của Sở KH & ĐT Tp.HCM 

Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 

 

Công ty TNHH Trang Sao

Thegioinghesi.vn

Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Nguyên Thảo

Trụ sở: 223 Hoàng Văn Thụ, P.10, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM

Liên hệ hợp tác, bảo trợ truyền thông:

Phone: 0345 700 300

Email: [email protected]

 

 

 

 

 

 

 

Mạng xã hội